Những Ông vua trong lãnh địa của mình

Hà Nội, chiều mùa hè.

Trời đang nắng gắt thì đột ngột đổi tông. Không gian như nín thở. Gió từ đâu kéo đến hun hút, quật đám lá trên cây rào rào như tiếng người già run tay trên phím đàn cũ. Chưa đầy mười phút sau, cơn giông trút xuống. Mưa đập vào cửa kính, xối xả, trắng trời. Không khí đang nặng như chì bỗng trở nên mỏng manh, như thể mọi thứ vừa được lột lớp mặt nạ khô khốc để bộc lộ sự mềm yếu phía sau.

Đúng lúc ấy, tôi nhận được tin nhắn của bạn. Một chuyện tưởng như chẳng có gì: chỉ là một tấm ảnh đại diện bị yêu cầu gỡ xuống.

Nghe câu chuyện dài của bạn, tôi càng thấy trong đó không chỉ là bất đồng giữa hai thế hệ. Không chỉ là khoảng cách giữa “gu thẩm mỹ” của người lớn và người trẻ. Mà là một dạng nỗi khổ âm ỉ, sâu hoắm – của người không thể chịu đựng nổi khi thế giới không còn vận hành theo tưởng tượng của mình.

Có những nỗi đau khiến người ta gục xuống ngay lập tức. Nhưng cũng có những nỗi đau không ai nhìn thấy – vì nó không đổ máu, không có tiếng gào, không để lại vết bầm – mà chỉ là một lời nói nhẹ, một ánh mắt hụt hẫng, một câu nhắn không được trả lời. Nhưng chính những điều nhỏ nhặt ấy mới là thứ gặm mòn lòng người từng chút một.

Người cha ấy không chửi mắng. Ông chỉ buồn. Nhưng cái buồn ấy lại có lực mạnh hơn một tiếng la. Nó được dệt bằng một niềm hy vọng kéo dài suốt nhiều năm, rằng “con mình sẽ nên hình nên dạng như thế này, sẽ hiện ra như thế kia”, rằng “người ta sẽ nhìn vào con mà thấy mình xứng đáng là cha”.

Và khi đứa con làm điều gì đó không đúng với hình ảnh đó – dù chỉ là một cái ảnh trên mạng – ông thấy như chính ông bị tổn thương. Như một phần giá trị của mình vừa bị xé rách.

Đó là bi kịch phổ biến nhất trong các mối quan hệ gần gũi: chúng ta thương yêu nhau không phải như nhau là ai, mà như nhau đáng lẽ phải là ai.

Và điều nghịch lý là càng thương, càng gần gũi, người ta lại càng dễ rơi vào cạm bẫy kiểm soát. Càng mong người kia tốt, càng dễ ép họ thành hình mẫu có sẵn. Nhưng có ai thực sự hạnh phúc khi phải sống trong hình ảnh của người khác đâu?

Chúng ta gọi đó là “yêu thương”. Gọi là “lo lắng”. Nhưng đôi khi, nó chỉ là tấm màn mỏng che đi nỗi sợ sâu kín: sợ bị phán xét, sợ mất mặt, sợ không còn là một người cha đáng tự hào, một người mẹ mẫu mực, một người thầy đúng mực.

Thế rồi, để tránh nỗi sợ ấy, ta bắt đầu can thiệp. Can thiệp vào cách người kia ăn mặc, nói năng, thể hiện. Ngoài đời chưa đủ, ta tiếp tục can thiệp vào cách họ hiện ra trên mạng – nơi mọi người đều có quyền tạo dựng hình ảnh. Nhưng một khi hình ảnh ấy không đúng “chuẩn” trong đầu ta, ta loạn. Ta đau. Ta thấy… bất lực.

Trong thế giới mạng – nơi con người được chọn cách hiện diện, thì nhu cầu kiểm soát người khác lại càng trở nên trần trụi. Một cái ảnh, một dòng trạng thái, một biểu cảm nhỏ cũng có thể làm người khác cảm thấy “không ổn”.

Tôi từng thấy những người mẹ yêu cầu con xóa ảnh vì “mặc thế này người ta nghĩ gì?”, những người cha nổi giận khi con trai viết vài câu triết lý u ám vì “sẽ có người nghĩ nó bất thường”. Những người chồng muốn vợ gỡ bài đăng vì sợ bị hiểu lầm. Và rất nhiều người bạn thân lâu năm… ngừng chơi chỉ vì bị “unfollow”.

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà cái “tôi” mong manh đến mức chỉ cần người khác khác mình một chút, là nó chao đảo.

Nhưng cái khổ ở đây không nằm ở việc người khác làm gì. Nó nằm ở chỗ ta không thể chịu được khi người khác không còn giống như hình ảnh ta dựng lên về họ.

Một cái ảnh không nói lên gì nhiều. Nhưng với người bố trong câu chuyện ấy, nó giống như một thông điệp: “Đây không phải là đứa con mà tôi tưởng.” Và thế là ông đau. Nhưng ông không gọi tên nỗi đau ấy, vì nó quá nhục nhã để thừa nhận. Thay vào đó, ông biến nó thành một lời đề nghị, một sự giận dỗi, một lời yêu cầu gắt gỏng. Ông nghĩ, nếu đứa con đổi ảnh, mọi thứ sẽ ổn. Nhưng thực ra, cái không ổn nằm ở bên trong: nơi ông đã gắn giá trị bản thân mình vào hình ảnh người khác.

Cái khổ này rất vi tế. Nó không như những nỗi khổ ầm ĩ ngoài đời. Nó trốn trong những câu nói rất nhẹ, rất “chừng mực”:

– “Bố chỉ muốn con tốt.”

– “Mẹ lo cho con nên mới nói.”

– “Anh góp ý vì muốn em được người ta tôn trọng.”

Nhưng thực ra, đằng sau đó là gì? Là mong người kia giống với cái tôi tưởng. Là sự sợ hãi bị đánh giá, bị từ chối, bị thất bại trong vai trò người thân. Là cảm giác bất lực khi không thể điều khiển thế giới.

Vi Diệu Pháp gọi đây là chấp thủ vào tưởng tri và danh pháp. Khi một hình ảnh – chỉ là sắc – bị tưởng lầm thành danh dự. Khi cái danh – “con tôi”, “bạn tôi”, “người yêu tôi” – bị biến thành tài sản phải kiểm soát. Và mỗi khi tài sản ấy không theo ý, tâm liền dấy khởi tham, sân, sợ hãi.

Ta không còn thấy người kia là một dòng pháp sinh diệt, một hiện tượng duyên khởi vô ngã. Ta thấy họ là phần mở rộng của chính mình. Và vì thế, họ phải vận hành theo mình.

Nhưng thế giới không vận hành như thế. Không ai được sinh ra để diễn đúng vai trong vở kịch của người khác. Và càng cố bắt ai đó sống theo ý mình, ta càng chuốc lấy nỗi cô đơn sâu kín – bởi người kia càng ngày càng xa lạ, còn mình thì càng ngày càng không thể nhận ra chính mình.

Tôi vẫn nhớ ánh mắt bạn tôi buổi chiều hôm ấy – sau cơn mưa đầu mùa. Vừa buồn, vừa cam chịu, vừa có chút lạnh lẽo. Không phải vì bố bạn ghét bỏ. Mà vì bạn nhận ra rằng… ngay cả khi không làm gì sai, bạn vẫn khiến người mình thương tổn thương – chỉ vì không sống đúng như họ tưởng.

Và bạn thì không biết phải làm sao với điều đó.

Tôi không trách người cha trong câu chuyện ấy. Không trách bất kỳ ai từng cố kiểm soát người mình yêu thương. Bởi vì, sâu xa mà nói, đó là phản ứng rất người. Một nỗ lực để giữ cho thế giới khỏi rơi vào hỗn loạn. Một cách để tự thuyết phục rằng “mọi thứ vẫn trong tầm tay”.

Chỉ có điều, càng nắm chặt, càng mất. Càng cố gắng giữ hình ảnh kia nguyên vẹn, càng thấy nó rạn vỡ trong tay mình.

Đã bao lần trong đời, ta lặng lẽ muốn chỉnh sửa người khác – chỉ để họ không làm xáo trộn hình ảnh về chính mình?

Có lẽ nỗi khổ sâu nhất không nằm ở chuyện người khác sai thế nào. Mà nằm ở chỗ ta đã đặt quá nhiều danh tính của mình vào họ, để rồi khi họ sống đúng với họ, ta không còn biết mình là ai nữa