Một buổi sáng chậm, tôi ngồi im ở quán quen, tay ôm cốc cafe, mắt lặng nhìn bụi nắng rơi qua cửa sổ. Những hạt bụi lơ lửng trong ánh sáng, nhảy múa không mục đích, không ai chỉ đạo, không ai định hướng. Và trong cái lặng ấy, một ý nghĩ không mời mà đến: “Phải chăng cuộc đời cũng chỉ là bụi? Lơ lửng. Nhẹ. Rỗng. Và không ai trong đó cả.”
Tôi từng tưởng có một “tôi” trong cuộc chơi này – một người đang sống, đang cố gắng, đang tu tập, đang chịu đựng, đang hướng đến một đích đến tên là “giác ngộ”. Nhưng khi lớp sương tri thức dày cộm dần mỏng đi, và những lớp định danh chồng chất bỗng trở nên nhẹ như khói, tôi bắt đầu nghi ngờ chính cái ý tưởng về một “tôi” ấy.
Phải chăng, chưa từng có người nào đang sống cuộc đời này? Chưa từng có ai đang đi tìm hạnh phúc hay đang trốn khổ? Chưa từng có ai giác ngộ hay luân hồi? Chỉ có những sát-na tâm sinh lên rồi diệt xuống, như đèn nhấp nháy. Chỉ có dòng pháp đang vận hành – vô chủ, vô ý nghĩa, vô ngã.
Vi Diệu Pháp gọi đó là danh – sắc. Mọi thứ chỉ là các yếu tố tâm lý và vật lý sinh lên rồi diệt, không có thực thể đứng sau. Tôi từng nghĩ: tôi là người đang suy nghĩ, đang yêu thương, đang buồn đau. Nhưng thật ra, không có ai đang làm gì cả. Chỉ là ý môn động lên một niệm, xúc chạm vào tưởng, rồi khởi hành, sinh thọ. Rồi tất cả tan.
Khi tôi nhìn một đóa hoa, không có “tôi” đang nhìn. Chỉ có nhãn căn, sắc trần, nhãn thức khởi lên, xúc thành, thọ sinh, rồi tưởng dán nhãn: “hoa đẹp”. Rồi hành bắt đầu vẽ ra một câu chuyện, một cảm xúc, một ký ức. Nhưng toàn bộ chuỗi đó, chỉ là pháp – tự vận hành theo điều kiện.
Và “tôi”? Không tìm thấy.
Khi đau, ta la lên: tôi đau quá. Khi mất mát, ta thốt: sao tôi khổ thế này. Nhưng nếu nhìn bằng con mắt của Vi Diệu Pháp, không có “tôi” nào khổ cả. Chỉ có thọ uẩn đang sinh lên – một cảm giác khó chịu đang hiện diện trong tâm. Chỉ là xúc sinh khổ thọ. Chấm hết.
Chính vì không thấy rõ điều này, tâm mới bắt đầu diễn trò: phản kháng, than vãn, trách móc, tìm cách trốn chạy, hoặc đổ lỗi. Và chính những phản ứng đó – mới là nguồn gốc của luân hồi.
Khổ không phải là vấn đề. “Tôi đang khổ” – mới là vấn đề.
Tôi kính nể ông Phật vì ông thấy rõ bản chất rỗng không của mọi pháp – nhưng ông không vội nói ra điều đó với người chưa sẵn sàng. Nếu ngày đầu tiên, Phật chỉ dạy rằng “không có người, không có ta, không có khổ thật”… thì chắc hẳn ông đã bị oánh và bị xua đuổi.
Thay vào đó, ông nói bằng ngôn ngữ quy ước: có người sinh, già, bệnh, chết. Có người tạo nghiệp, có người gặt quả. Nhưng dần dần, khi tâm đã định, trí đã phát sanh, ông Phật chỉ cho người thấy rằng: chẳng có “người” nào trong đó cả – chỉ có các uẩn đang vận hành như chiếc xe chạy trên đường. Không ai lái, không ai ngồi, không ai đi tới. Ông Phật dạy cách thấy rõ nó, không phải để né tránh, mà để xuyên thấu. Khi thấy rõ khổ chỉ là một pháp đang hiện diện, thì tâm không còn phản ứng nữa. Và nơi đó – giải thoát bắt đầu.
Bạn hỏi tôi: “Nếu tất cả chỉ là pháp sinh diệt không ngã, thì cuộc chơi này để làm gì?”
Tôi lặng im.
Không phải vì không có câu trả lời – mà vì không còn nhu cầu phải trả lời.
Cuộc chơi này không có mục tiêu. Không ai thiết kế. Không ai điều khiển. Nó chỉ là chuỗi duyên khởi tự vận hành. Giống như một dòng sông chảy vì dốc nghiêng, không vì ai ra lệnh. Giống như gió thổi vì chênh áp, không vì có người điều khiển. Giống như tâm bạn khởi một ý nghĩ – không biết từ đâu – và rồi lại tan đi – chẳng ai cất giữ.
Tôi từng nghĩ: mình phải tìm ra ý nghĩa của đời. Nhưng một ngày nọ, khi nhìn đứa bé nghịch đất trong vườn, tôi chợt hiểu: nó chẳng cần ý nghĩa gì cả. Nó chỉ đang chơi. Và tôi, khi thôi tìm kiếm “ý nghĩa” – cũng bắt đầu thấy: mọi thứ thật nhẹ nhàng.
Ý nghĩa là một nhãn dán được tưởng uẩn và ngôn ngữ tạo ra để khiến tâm cảm thấy an toàn. Nhưng tánh biết không cần an toàn. Nó chỉ biết.
Tôi từng đặt “giải thoát” như đích đến. Từng nghĩ rằng mình cần hành trì, thiền định, thanh lọc, tích lũy công đức để “đến được đó”.
Nhưng đến một lúc, tôi thấy: “giải thoát” cũng là một tập khí. Một niềm tin. Một khái niệm. Một cái mồi cho tâm đeo bám.
Và khi buông được ngay cả ý tưởng “giải thoát”, thì có lẽ – nó bắt đầu hiện diện.
Không phải là một nơi để đến. Không phải là một thành quả để chứng. Mà chỉ là một cái thấy: không ai trong trò chơi này cả. Không ai từng bị trói. Không ai từng thoát.
Từ bi, hỷ, xả… là những hương hoa cao quý trên con đường tu. Nhưng rồi một ngày, tôi cũng thấy: đó cũng là pháp sinh diệt, được huân tập. Tập khí thiện thay thế tập khí bất thiện. Vẫn là tập khí.
Dĩ nhiên, tốt hơn là có tập khí thiện. Nhưng nếu chấp vào nó – ta lại dính vào “thiện ngã”: tôi là người tốt, tôi thương yêu, tôi xả ly, tôi hiểu đạo. Và rồi, bạn thấy đấy, một lớp ngã mới được sinh ra – tinh vi hơn, ngọt ngào hơn, nhưng trói buộc chẳng kém.
Vi Diệu Pháp không phủ nhận thiện pháp. Trái lại, nó dạy phân tích và huân tập chúng cho đến khi tâm thuần thục. Nhưng khi đã đến ngưỡng siêu thế, thiện cũng phải buông. Như người qua sông, thuyền cũng phải bỏ lại.
Tôi từng nghĩ phải làm thật nhiều để tu. Rồi lại thấy: chẳng có ai làm gì cả. Nhưng tôi cũng không “buông xuôi”.
Việc cần làm – vẫn làm. Đói thì ăn. Có khổ thì biết khổ. Có ai hỏi thì trả lời. Có cảm xúc khởi thì nhận biết. Không trốn. Không tìm. Không dán nhãn.
Không làm gì để đạt gì – không phải là lười biếng. Mà là không còn hành động từ một cái “tôi” muốn đạt. Mọi việc vẫn xảy ra – nhưng không ai làm.
Tôi không cần bỏ vợ, bỏ con, bỏ nhà, bỏ nghề… để giác ngộ. Nhưng tôi phải xả chấp: “vợ tôi”, “con tôi”, “nghề của tôi”. Khi tôi biết mọi thứ chỉ là pháp đang khởi – tôi vẫn làm việc, vẫn yêu thương, nhưng không bị trói.
Và không gì cần bỏ – bởi vì không có “người” đang nắm. Pháp đến thì đến. Pháp đi thì đi. Không giữ. Không đẩy.
Cuối cùng, điều duy nhất còn lại – là Biết.
Không phải “tôi biết”. Không phải “tâm tôi đang nhận thức”. Mà chỉ là Biết – không tên, không hình, không trung tâm, không chu vi.
Khi cảm xúc đến – có Biết. Khi ý nghĩ khởi – có Biết. Khi thân đau – cũng có Biết. Nhưng Biết không bị đau, không bị vui, không bị chi phối. Nó không chống, không chấp, không can thiệp. Nó chỉ là nền tảng – tĩnh lặng – sáng suốt – không ranh giới.
Rupert Spira gọi nó là “Tánh Biết”. Vi Diệu Pháp không gọi tên. Chỉ phân tích đến tầng tâm siêu thế – rồi dừng. Kinh điển gọi đó là Như Lai. Đạo gọi là “vô vi”. Thiền gọi là “bản lai diện mục”.
Nhưng tất cả chỉ là danh. Cái đang đọc những dòng này – chính là nó. Không ai biết. Chỉ là biết.
Có thể tất cả những điều trên là đúng. Cũng có thể là một chuỗi vọng tưởng tinh vi được gắn lớp thiền ngôn.
Cũng không sao.
Pháp vẫn vận hành.
Khi tâm còn muốn biết điều gì là thật – thì vẫn còn đang trong trò chơi. Khi dừng hỏi “tại sao”, thì chỉ còn “như vậy”.
Không cần ý nghĩa. Cũng không cần vô nghĩa.
Chỉ là vậy.
Và chưa từng có ai trong đó cả.
Tôi không biết bài viết này có chạm được gì trong bạn không. Có thể bạn thấy nó đúng, có thể bạn thấy nó… cũng chỉ là một pháp khởi diệt.
Cũng được thôi.
Biết vậy là đủ.